Cholesterol là chất béo trong máu, giúp cơ thể xử lý vitamin, phân hủy thức ăn, tạo ra hormone, gồm hai loại cholesterol tốt và cholesterol xấu. Cholesterol tốt, còn gọi là lipoprotein mật độ cao (HDL), giúp vận chuyển cholesterol xấu từ mọi bộ phận cơ thể đến gan để loại bỏ.

Cholesterol xấu hoặc lipoprotein mật độ thấp (LDL) tạo thành mảng bám tích tụ trong động mạch, gây tắc nghẽn dòng máu đi khắp cơ thể. Cholesterol cao thường liên quan đến nguy cơ bệnh tim.

Hàm lượng cholesterol của hải sản

Thực phẩm góp phần quan trọng trong việc kiểm soát mức cholesterol, làm tăng hoặc giảm cholesterol trong cơ thể. Hải sản có hàm lượng cholesterol cao, nhất là loại giáp xác. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tôm là hải sản chứa nhiều cholesterol nhất, với 59,8 mg trong mỗi khẩu phần 28 g nấu chín. Khẩu phần này ở tôm hùm là 41,4 mg, cua có 29,8 mg cholesterol.

Động vật thân mềm như sò điệp có hàm lượng cholesterol thấp hơn động vật giáp xác. Lượng cholesterol trong mỗi khẩu phần 28 g nghêu nấu chín là 19 mg, sò điệp hấp khoảng 11,6 mg.

Cá có lượng cholesterol thấp hơn nhiều so với động vật giáp xác. Cá ngừ trắng đóng hộp có 8,8 mg, cá rô phi nấu chín có 16,2 mg, cá tuyết nấu chín chứa 17,3 mg cholesterol trong mỗi khẩu phần 28 g.

Ít chất béo bão hòa

Mặc dù hải sản chứa cholesterol cao nhưng chúng lại rất ít chất béo bão hòa – yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tim. Ngoài ra, hải sản còn rất giàu vitamin cùng khoáng chất thiết yếu như protein, canxi… đặc biệt là axit béo omega-3. Những axit béo này tốt cho tim, não và sức khỏe tổng thể của người bệnh mỡ máu cao như ba của bạn.

Các loài có vỏ như tôm, cua, trai, hàu còn chứa chất chống oxy hóa và axit amin taurine hỗ trợ giảm mức LDL trong máu. Khi ăn ở mức độ vừa phải, hải sản có thể giúp kiểm soát cholesterol, góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Lượng cholesterol được khuyến nghị ở người trưởng thành là 300 mg mỗi ngày và ăn hải sản có thể cung cấp lượng cholesterol phù hợp mà cơ thể cần.

Khuyến cáo ăn cà hồi, cá trích

Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị nên ăn hai khẩu phần cá mỗi tuần. Mỗi khẩu phần tương đương 85 g cá nấu chín hoặc khoảng 3/4 chén cá có vảy. Nên ưu tiên các loại cá béo như cá hồi, cá cơm, cá trích, cá mòi, cá tuyết đen, cá thu, cá ngừ vây xanh vì chúng nhiều axit béo omega-3.

Phụ nữ mang thai và cho con bú có thể tiêu thụ 2-3 phần (mỗi khẩu phần 113 g) hải sản có hàm lượng thủy ngân thấp mỗi tuần. Chúng bao gồm tôm, cua, mực, cá hồi, cá bơn, cá cơm, cá chim, cá tuyết…

Cách chế biến hải sản như tẩm bột, chiên, bơ và sốt có thể làm tăng cholesterol trong máu. Do đó, nên hạn chế và thay thế bằng các cách nấu nướng có lợi cho tim như hấp, luộc, nấu canh…

Nếu có lượng scholesterol cao thì cần hạn chế ăn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (như thức ăn nhanh, chế biến sẵn) vì cả hai đều có thể làm tăng cholesterol LDL trong máu. Hạn chế ăn đường, muối; tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như bột yến mạch, các loại đậu trong chế độ ăn uống lành mạnh cho tim. Bên cạnh đó, bác cần khám tim mạch định kỳ để bác sĩ kiểm tra tình trạng rối loạn lipid máu và điều trị phù hợp.

1 những suy nghĩ trên “Người bệnh mỡ máu cao có cần kiêng hải sản?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *